Bộ Giáo dục đề xuất thay chứng chỉ chức danh nghề nghiệp bằng chứng chỉ gì?

2020-07-31 15:19:54

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất để “thay thế chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bằng chứng chỉ/ chứng nhận bồi dưỡng thường xuyên".

Như Giáo dục Việt Nam thông tin, ngày 29/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản số 2814/BGD&ĐT-NGCBQLGD gửi Bộ Nội vụ, đề xuất điều chỉnh quy định về bồi dưỡng viên chức tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu với Chính phủ sửa đổi Nghị định số 101 trong đó có một nội dung mà các thầy cô đặc biệt quan tâm đó là:

Đối với viên chức ngành Giáo dục, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được thay thế bằng các chứng chỉ bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu phát triển nghề nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định (trong trường hợp không thể thay thế tất cả thì chỉ yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức có nhu cầu thăng hạng chức danh nghề nghiệp).

Trước nội dung này, để thầy cô hiểu rõ hơn về “chứng chỉ thay thế” sẽ là chứng chỉ nào thì phóng viên Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với ông Đặng Văn Bình là Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục – Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất để “thay thế chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bằng chứng chỉ/ chứng nhận bồi dưỡng thường xuyên đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp’, ông Bình nói.

Cụ thể, theo ông Bình, chứng chỉ/ chứng nhận bồi dưỡng thường xuyên đã được quy định tại Thông tư số 19/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên.

Bài kiểm tra lý thuyết, thực hành chấm theo thang điểm 10 và đạt yêu cầu khi đạt từ 5 điểm trở lên.

Giáo viên, cán bộ quản lý được xếp loại hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên thì được cấp chứng chỉ hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên.

Kết quả đánh giá bồi dưỡng thường xuyên được lưu vào hồ sơ và là căn cứ thực hiện chế độ, chính sách bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp và sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý.

Còn việc cấp chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên thực hiện theo quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Đặc biệt, giáo viên, cán bộ quản lý được hưởng nguyên lương, các khoản phụ cấp, trợ cấp (nếu có) và các chế độ, chính sách khác theo quy định trong thời gian thực hiện kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên.

Theo Thùy Linh - Báo Giaoduc.net.vn