Không có sản phẩm nào trong giỏ hàng
Giáo án của giáo viên lâu nay chỉ có giá trị sử dụng trong từng năm học vì phần lớn các trường học đều yêu cầu giáo viên phải ghi cụ thể ngày soạn, ngày dạy.
Câu chuyện quá tải hồ sơ sổ sách của giáo viên đã được nói nhiều trong hàng chục năm qua ở nhiều nhà trường nên Bộ cũng đã nhiều lần ban hành văn bản hướng dẫn nhằm giảm tải cho giáo viên. Gần nhất là Chỉ thị số 138/CT-BGDĐT ngày 18/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường [1].
Niềm vui ngắn chẳng tày gang, khi gần đúng 1 năm sau, ngày 18/12/2020 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Với các chỉ đạo của Bộ, việc giảm tải hồ sơ sổ sách, các loại giấy tờ… chưa đồng bộ, manh mún và có khi giảm chỗ này lại tăng chỗ khác, thành ra giáo viên vẫn phải thực hiện nhiều loại hồ sơ sổ sách không thực sự cần thiết.
Chẳng hạn như hàng chục năm qua thì việc đánh giá chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng khiến cho đội ngũ nhà giáo liên tục phải phô tô các loại văn bằng, chứng chỉ, hồ sơ, giấy tờ của mình để minh chứng cho các tiêu chí của chuẩn. Thời gian gần đây, lại là chuyện giáo án của giáo viên, chuyện Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH đang được nói khá nhiều...
Vì thế, áp lực về hồ sơ sổ sách không hẳn đã được giảm đi mà nó còn sẽ tăng lên bởi các loại kế hoạch theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH đã hướng dẫn khá cụ thể, chi tiết từng đề mục, từng hoạt động với rất nhiều bước mà giáo viên phải thực hiện.
Ảnh chụp màn hình từ phóng sự của VTV.vn. |
Sau hơn 10 năm đánh giá chuẩn thì Bộ mới hướng dẫn “tạm dừng”
Hai năm học vừa qua, giáo viên phổ thông phải thực hiện việc đánh giá chuẩn hàng năm theo hướng dẫn của Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT được ban hành ngày 22/8/20218 bằng 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí.
Nhưng, trước khi có Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT thì giáo viên đã thực hiện việc đánh giá chuẩn hàng năm bằng hướng dẫn của Thông tư số 30/2009/TT-BGDĐT với 6 tiêu chuẩn và 25 tiêu chí và xếp loại ở 4 mức: xuất sắc; khá, trung bình; chưa đạt chuẩn- loại kém.
Như vậy, đội ngũ nhà giáo đã thực hiện việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp hơn chục năm trời ròng rã.
Cho dù là theo Thông tư số 30/2009/TT-BGDĐT trước đây hay Thông tư 20/2018-BGDĐT bây giờ thì nó cũng “hành” giáo viên te tua với hàng loạt các minh chứng mà các nhà trường đều yêu cầu giáo viên để phải phô tô và kẹp vào hồ sơ xếp chuẩn hàng năm.
Chừng ấy thời gian, biết bao nhiêu bất cập nảy sinh, năm nào cũng cơ bản có chừng ấy văn bằng, chứng chỉ…nhưng được phô tô đi, phô tô lại để nộp và lưu vào hồ sơ cá nhân.
Mãi đến ngày 11/6/2021 vừa qua thì Bộ mới ban hành văn bản số 2440/ BGDĐT- NGCBQLGD hướng dẫn tạm dừng đánh giá, báo cáo kết quả đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên, năm học 2020-2021.
Nhưng, với hơn 10 năm như thế đã biết bao bất cập mà thực ra việc đánh giá chuẩn cũng chẳng mang lại kết quả gì cụ thể, rõ ràng.
Điều trớ trêu là có trường hợp đã nhiều năm được xếp ở loại “xuất sắc” theo Thông tư số 30/2009/TT-BGDĐT, xếp loại “tốt” theo Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT thì đến năm học 2020-2021 này bị đánh giá ở mức “chưa đạt” vì vướng Luật Giáo dục năm 2019.
Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH sẽ tăng áp lực về hồ sơ sổ sách cho giáo viên
Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH được Bộ đã ban hành vào cuối năm 2020 với 4 kế hoạch cụ thể, đó là: Kế hoạch dạy học môn học; Kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục; Kế hoạch giáo dục của giáo viên trong năm học; Kế hoạch bài dạy (giáo án) thì Kế hoạch bài dạy đang được giáo viên quan tâm nhiều nhất.
Bởi, giáo án giảng dạy của giáo viên suốt mấy chục năm qua thì giờ đây được đổi thành một cái tên nghe rất mĩ miều, đó là: “Kế hoạch bài dạy” với muôn vàn nỗi nhiêu khê mà nhiều giáo viên đã thực hiện từ học kỳ II của năm học vừa qua và cho những năm học tới đây (nếu Bộ không có điều chỉnh, sửa đổi).
Nhưng, cứ nhìn từ thực tế mà giáo viên đang thực hiện hoặc nhìn vào những Kế hoạch bài dạy mà các thầy cô giáo đang rao bán hoặc cho tải miễn phí trên mạng xã hội sẽ thấy sự dài dòng của kế hoạch này.
Chúng tôi click và tải miễn phí một Kế hoạch bài bạy học kỳ I của môn Ngữ văn lớp 9 được đăng tải trên một trang mạng xã hội giáo viên trung học cơ sở mà thấy có tới 825 trang. Trong khi, học kỳ I có 90 tiết thì bình quân mỗi tiết học có khoảng 9 trang giấy A4.
Nếu tính cả học kỳ II thêm 85 tiết, chắc cũng phải thêm gần 800 trang nữa mà mỗi giáo viên đứng lớp hiện nay thường được phân công dạy 2 khối nên giáo viên Ngữ văn mà soạn theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH thì có lẽ cũng phải có tới gần 3000 trang giáo án vì môn Ngữ văn các khối lớp còn lại mỗi năm là 140 tiết.
Nếu giáo viên mà kiêm nhiệm thêm tổ trưởng chuyên môn hay giáo viên chủ nhiệm thì lại phải thực hiện thêm một số kế hoạch hoặc giáo án ngoài giờ nữa. Nghĩ đến đây, chắc nhiều giáo viên cũng phải rùng mình số số lượng in ấn hàng năm…
Trong khi, theo kế hoạch chi tiêu nội bộ nơi người viết đang công tác hiện nay, mỗi giáo viên được hưởng 10- 20 ngàn đồng tiền giấy bút soạn bài mà mỗi năm hưởng 9 tháng nên mỗi nhà giáo được nhận số tiền từ 90- 180 ngàn đồng. Số tiền này, nếu giáo viên không có máy tính, máy in thì in ngoài tiệm được khoảng 300-600 tờ A4…
Điều đáng nói là giáo án của giáo viên lâu nay chỉ có giá trị sử dụng trong từng năm học vì phần lớn các trường học hiện nay đều yêu cầu giáo viên phải ghi cụ thể ngày soạn, ngày dạy trên giáo án. Hơn nữa, phân phối chương trình của từng đơn vị cũng được chỉnh sửa, thay đổi từng năm.
Như vậy, áp lực hồ sơ sổ sách của giáo viên không hề giảm đi trong những năm qua mà nó còn mâu thuẫn với những chỉ đạo của Bộ. Lãnh đạo Bộ đã nhiều lần ban hành văn bản giảm tải hồ sơ sổ sách, lãnh đạo Bộ cũng từng phát biểu là giảm hồ sơ sổ sách cho giáo viên.
Thế nhưng, thực tế nói vậy mà…không phải như vậy. Nó vẫn tăng bình thường như vốn dĩ đã tồn tại hàng chục năm qua vậy. Minh chứng rõ nhất cho việc này là đánh giá chuẩn nghề nghiệp của giáo viên trong những năm qua và giáo án theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH bây giờ.
Đó là nhìn từ những văn bản chỉ đạo mang tính vĩ mô của ngành, ngoài ra thì giáo viên còn phải thực hiện thêm nhiều loại kế hoạch, giấy tờ theo yêu cầu của nhà trường, của hội đồng bộ môn nữa. Vì vậy, chuyện giảm áp lực hồ sơ sổ sách cho giáo viên từ lý thuyết tới thực tiễn vẫn còn xa xôi lắm.
theo giaoduc.net.vn