Không có sản phẩm nào trong giỏ hàng
Đó là chia sẻ của cô Phạm Thị Thái Hà- giáo viên trường THPT Ngô Quyền (Quảng Ninh), cô giáo có nhiều sáng kiến đổi mới phương pháp giảng dạy, là giáo viên tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh tại Lễ tuyên dương gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016 - 2017.
Cô Phạm Thị Thái Hà - chia sẻ: Trước sự thay đổi của xã hội và yêu cầu đổi mới giáo dục, các giáo viên hiện nay cũng phải chuyển mình theo tinh thần của sự đổi mới, đó là đạt tới mục đích phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học, tạo cho học sinh tư duy độc lập để giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn
Trước trọng trách đó, giáo viên cần liên tục phải đổi mới phương pháp, phát triển năng lực chuyên môn, tu dưỡng đạo đức, tác phong nghề nghiệp và cố gắng đưa những điều mình học hỏi được từ thực tế vào bài dạy hằng ngày, cố gắng truyền tải kiến thức một cách dễ hiểu nhất, đồng thời xây dựng được niềm tin của mình với học trò.
Điều quan trọng là các thầy cô cần chú ý rèn luyện phương pháp tự học của học sinh, tăng cường học tập cá nhân, phối hợp nhóm; kết hợp đánh giá của giáo viên và tự đánh giá của từng học sinh.
Việc đổi mới phương pháp dạy học để học sinh chủ động, tích cực, sáng tạo trong học tập là một vấn đề cần thiết và không thể thiếu. Bởi, chỉ có đổi mới phương pháp dạy học, chúng ta mới nâng cao được chất lượng giáo dục.
Chỉ có đổi mới phương pháp dạy học, chúng ta mới tham gia được vào sân chơi quốc tế trong việc nâng cao chất lượng giáo dục cũng như tiếp cận phương pháp giáo dục hiện đại.
Vì những lẽ đó, việc đổi mới phương pháp dạy học hiện nay không chỉ là phong trào mà còn là một yêu cầu bắt buộc với mọi giáo viên.
Năm học 2016-2017, cô Hà đạt giải Nhất cấp quốc gia cuộc thi Dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên trung học của tỉnh Quảng Ninh với bài giảng: Năng lượng nguyên tử: Sự kỳ diệu hay kẻ hủy diệt nhân loại. Trước đó cô Hà cũng đạt giải Nhất vào năm 2015-2016.
Cô Hà chia sẻ, các giáo viên trong tỉnh đều rất hào hứng với cuộc thi này. Cuộc thi đã góp phần khuyến khích giáo viên sáng tạo, thực hiện dạy học theo chủ đề, chủ điểm có nội dung liên quan đến nhiều môn học và các hoạt động giáo dục và gắn liền với thực tiễn.
Qua đó góp phần đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập; tăng cường hiệu quả sử dụng thiết bị dạy học của giáo viên.
Theo cô Hà, để dạy học tích hợp đạt hiệu quả cao và sáng tạo, trước hết người giáo viên phải lựa chọn và xây dựng được một chủ đề hay, phù hợp đối tượng cũng như cơ sở thực tiễn. Đây là cơ sở quyết định cũng là bước đầu tiên định hình chủ đề và dạy học tích hợp đạt hiệu quả cao.
Khó khăn của giáo viên khi dạy học theo những phương pháp mới, sáng tạo không ở vấn đề nội dung mà ở vấn đề phương pháp dạy học. Điều này đòi hỏi giáo viên phải có năng lực trong tổ chức hoạt động học tích cực, tự lực và sáng tạo cho học sinh.
Các hoạt động đó phải được tổ chức ở trong lớp, ngoài lớp, trong trường, ngoài trường, ở nhà và cộng đồng, đặc biệt quan tâm đến hoạt động thực hành và ứng dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tiễn.
Ngoài bài giảng của môn học chính, giáo viên phải tìm hiểu sâu hơn những kiến thức thuộc các môn học khác. Các giáo viên hiện nay vẫn quen dạy theo chủ đề đơn môn nên khi dạy theo chủ đề tích hợp, liên môn sẽ vất vả hơn.
Do đó cần phải xem xét, rà soát nội dung chương trình, sách giáo khoa hiện hành để loại bỏ những thông tin cũ, lạc hậu, đồng thời bổ sung, cập nhật những thông tin mới, phù hợp. Dạy học theo chủ đề tích hợp luôn đòi hỏi người giáo viên phải không ngừng đổi mới đáp ứng yêu cầu giảng dạy.
Theo Giáo Dục và Thời Đại