Nên bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên

2023-06-08 17:33:38

Bộ Nội vụ cho rằng khi chưa thực hiện cải cách tiền lương thì việc việc bỏ thi, chỉ giữ hình thức xét thăng hạng viên chức là cần thiết.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các quy định về cán bộ, công chức, viên chức đang được Bộ Nội vụ xin ý kiến một số cơ quan trước khi trình Chính phủ.

Bộ Nội vụ cho rằng khi chưa thực hiện cải cách tiền lương và sửa đồng bộ các quy định có liên quan thì việc việc bỏ thi, chỉ giữ hình thức xét thăng hạng viên chức là cần thiết. [1]

Là nhà giáo đang làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, tôi ủng hộ Bộ Nội vụ về đề xuất bỏ thi thăng hạng viên chức. Trong phạm vi bài viết này, tôi có đôi điều cùng chia sẻ lí do nên bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức giáo viên.

Nên bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên ảnh 1

Ảnh minh họa: Báo Thái Bình.

Thứ nhất, việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên chưa được thực hiện đồng bộ giữa các địa phương. Đó là, tỉnh này thì tổ chức xét còn tỉnh khác lại thi gây bất công cho giáo viên.

Việc xét thăng hạng, chỉ cần giáo viên đủ điều kiện theo Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT là đạt. Còn thi thăng hạng thì không phải giáo viên nào cũng đỗ, có tỉnh viên chức rớt như sung.

Ngoài ra, có tỉnh thì năm nào cũng tổ chức xét/thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên nhưng tỉnh khác lại không.

Minh chứng, Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông công lập có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/3/2021, nhưng cho đến thời điểm này Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh chỉ tổ chức thi thăng hạng giáo viên một lần vào giữa tháng 9/2022.

Thứ hai, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: "Việc tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp chưa thật sự gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức; nội dung thi thăng hạng còn hình thức, chưa sát với vị trí việc làm và đặc thù công việc của từng chức danh nghề nghiệp dẫn tới không đạt mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ của việc thăng hạng". [2]

Người viết nhận thấy, ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà rất đúng với thực trạng thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên hiện nay.

Đó là, giáo viên thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải trải qua 2 vòng làm bài trắc nghiệm và tự luận. Môn kiến thức chung, trắc nghiệm 60 câu hỏi về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật về ngành, lĩnh vực sự nghiệp, pháp luật về viên chức theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi.

Môn Ngoại ngữ trắc nghiệm 30 câu hỏi về một trong năm thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi quyết định.

Như thế, giáo viên không thi về chuyên môn (môn giảng dạy), nghiệp vụ (quản lí, giáo dục học sinh) mà thi về luật và ngoại ngữ.

Trong khi đó, liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật thì giáo viên chỉ cần tra google là biết ngay thông tin.

Đáng nói, giáo viên không dạy ngoại ngữ nhưng vẫn thi môn này là bất hợp lí. Hầu như giáo viên nào cũng có chứng chỉ ngoại ngữ nhưng họ vẫn phải thi, nên chăng?

Thứ ba, cũng theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, "hệ thống vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, bản mô tả và khung năng lực vị trí việc làm của viên chức chưa được hoàn thiện đã dẫn đến thực trạng là viên chức trước và sau khi được thăng hạng không có sự thay đổi về công việc và chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Việc thăng hạng hiện nay chủ yếu để giải quyết chế độ tiền lương và thu nhập". [2]

"Viên chức trước và sau khi được thăng hạng không có sự thay đổi về công việc và chất lượng thực hiện nhiệm vụ" là một thực tế ở các nhà trường mầm non và phổ thông công lập hiện nay.

Một đồng nghiệp của người viết được thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ giáo viên trung học phổ thông hạng III lên hạng II đã hơn nửa năm nay nhưng vẫn chưa được hiệu trưởng phân công nhiệm vụ mới. Giáo viên này vẫn giảng dạy và kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm.

Vấn đề đặt ra là, mặc dù giáo viên đã được thăng hạng chức danh nghề nghiệp (hạng II) nhưng họ vẫn làm nhiệm vụ cũ (hạng III) và hưởng lương mới (tăng hơn lương cũ) là thiếu sự công bằng trong phân công lao động.

Thứ tư, bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc cho giáo viên.

Ngành giáo dục đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên cần nhiều thời gian, công sức để tập huấn chương trình thay sách giáo khoa hơn là học các văn bản quy phạm pháp luật, tiếng Anh để thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Ngoài ra, ngành giáo dục hiện có hơn 1 triệu viên chức, nếu bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì mỗi năm sẽ tiết kiệm được hàng trăm tỉ đồng từ việc tổ chức thi và các chi phí kèm theo.

Thứ năm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: "Việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp không ảnh hưởng đến quy định của Luật Viên chức 2010 do “hạng chức danh nghề nghiệp” không quy định tại Luật Viên chức mà chỉ được quy định tại các nghị định và thông tư hướng dẫn chuyên ngành (khi Chính phủ ban hành Nghị định mới về cán bộ, công chức, viên chức sẽ có đủ căn cứ pháp lý để thay thế các nghị định và thông tư có quy định về nội dung này)". [2]

Có thể thấy rằng, việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên chủ yếu đề giải quyết chế độ tiền lương chứ chưa thật sự nâng cao chất lượng chuyên môn. Đó cũng là lí do tôi và đông đảo giáo viên cả nước ủng hộ Bộ Nội vụ về đề xuất bỏ thi, chỉ giữ hình thức xét thăng hạng viên chức giáo viên hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/bo-noi-vu-de-xuat-bo-thi-thang-hang-chuc-danh-nghe-nghiep-vien-chuc-post235461.gd

[2] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/vi-sao-can-phai-bo-thi-thang-hang-vien-chuc-tiep-tuc-phan-cap-thi-nang-ngach-cong-chuc-119230528073126775.htm

[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Thong-tu-04-2021-TT-BGDDT-ma-so-vien-chuc-giang-day-trong-truong-trung-hoc-pho-thong-cong-lap-464400.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên
theo giaoduc.net.vn