0903 852 645 tungviet@tvc.vn

Ngày đầu đi học lại ở TP HCM: Niềm vui lấn át lo âu

2021-12-14 10:39:02

Dù nỗi lo dịch bệnh hiện hữu, ngày đầu trường học mở cửa mang đến cảm giác "sổ lồng" cho học trò, niềm vui hội ngộ cho thầy cô và nhen nhóm hy vọng cho phụ huynh.

Trưa 13/12, ngóng cháu nội tan học trước cổng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5), ông Trần Doãn Đệ (64 tuổi, ngụ quận Tân Phú) không giấu vẻ hồi hộp. Sau hơn 7 tháng, ông mới lại được đưa đón cháu đi học.

Phụ huynh đưa con đến trường THPT Trưng Vương (quận 1) ngày 13/12. Ảnh: Quỳnh Trần

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phụ huynh đưa con đến trường THPT Trưng Vương (quận 1) ngày 13/12. Ảnh: Quỳnh Trần

Trước khi cháu gái trở lại trường, gia đình ông vừa vui vừa lo. Nhưng khi chứng kiến các biện pháp phòng chống dịch được nhà trường siết chặt, ông Đệ yên tâm hơn.

"Bối cảnh dịch bệnh bây giờ khác hồi đầu năm nên không thể sợ hãi, hốt hoảng khi có ca nhiễm như trước nữa. Học sinh lớp 12 đã lớn, lại được tiêm vaccine đầy đủ nên hy vọng các cháu an toàn trong mọi tình huống", ông Đệ chia sẻ.

Gia đình ông không tạo áp lực thành tích, điểm số với cô cháu gái đang học chuyên Lý. Theo ông Đệ, điều quan trọng nhất khi trở lại trường là học sinh có động lực, sự hứng thú học tập. Với lớp 12, các em sẽ chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT với định hướng nghề nghiệp cho tương lai.

Cùng tâm trạng, chị Nguyễn Hạnh, phụ huynh trường THPT Marie Curie (quận 3) không giấu được niềm vui khi con gái kết thúc buổi học đầu tiên. Chị Hạnh kể, trong suốt 7 tháng sau học trực tuyến, con gái chị trải qua nhiều "trạng thái cảm xúc", từ chỗ "vui vì không phải tới trường" đến "mong ngóng ngày đi học" cho tới "quen học online nên ở nhà... vẫn ổn".

Tuy nhiên, người mẹ lo lắng bởi học online kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức học của con. Chị mong mỏi ngày mở cửa trường. "Điểm số của con vẫn tốt nhưng nếu cứ học, thi online sẽ khó biết được thực chất. Năm nay, con bé đặt mục tiêu vào đại học nên tôi muốn con đi học để tiếp thu kiến thức chắc hơn", chị Hạnh cho biết.

Chị Hạnh kỹ lưỡng dặn dò con cách phòng dịch. Đồ ăn sáng, nước uống được chuẩn bị ở nhà. Khi con tan học, chị tranh thủ đón đúng giờ để tránh tập trung đông người trước cổng.

Sau khi tìm hiểu kỹ phương án chống dịch và cách xử lý F0 của ngành giáo dục, nhiều phụ huynh tán thành và mong việc xử lý sự cố - nếu có, sẽ diễn ra an toàn. Hầu hết cha mẹ hy vọng hai tuần thí điểm học trực tiếp của TP HCM suôn sẻ để học sinh các khối khác được đến trường.

Học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong trong tiết Ngữ văn, sáng 13/12. Ảnh: Mạnh Tùng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong trong tiết Ngữ văn, sáng 13/12. Ảnh: Mạnh Tùng

Phần lớn học sinh cảm thấy vui mừng khi gặp lại thầy cô, bạn bè ngày đầu học trực tiếp.

Nguyễn Vân Khanh, lớp 12B trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho biết, trong buổi đầu tiên em học Hoá học và Vật lý. "Cảm giác học trực tiếp giải tỏa được sự ức chế, mệt mỏi khi học online. Em cảm thấy thích thú và hiểu bài hơn", Khanh nói.

Năm nay, nữ sinh chọn tổ hợp B00 (Toán, Hoá, Sinh) để vào đại học khối Y Dược, bên cạnh mục tiêu du học. Hiện, Khanh đã được ba đại học ở nước ngoài chấp thuận nên ngoài kế hoạch học tốt để thi tốt nghiệp, nữ sinh trau dồi thêm tiếng Anh.

Bạn cùng trường với Khanh, Huỳnh Nguyễn Minh Khang, lớp 12 chuyên Anh 2 cũng được học bốn tiết ở hai môn Toán và Tiếng Anh. Theo Khang, việc trở lại trường lúc này có ý nghĩa quan trọng với học sinh khối 12 bởi các em sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học.

Sau buổi học đầu tiên, nam sinh khá yên tâm với sự kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ từ nhà trường. "Đi học lại lúc này, quan trọng hơn cả vẫn là ý thức phòng dịch và sự bình tĩnh. Học ở trường không thoải mái như trước đây nhưng vẫn tốt hơn học online ở nhà", Khang chia sẻ.

Một số trường trung học chưa dạy chính khoá trong ngày 13/12, chủ yếu sinh hoạt lớp để tập huấn phương án chống dịch và phổ biến kế hoạch học tập. Trong gần một tiếng rưỡi, hơn 300 học sinh trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức) được giáo viên chủ nhiệm tổng kết việc học online thời gian qua, nhắc nhở cách tự theo dõi sức khoẻ bản thân, khai báo y tế. Thầy cô còn hướng dẫn các em phương pháp ôn tập, định hướng chọn trường trước kỳ tuyển sinh lớp 10 công lập.

"Em cảm thấy yên tâm phần nào khi đến trường. Được thầy cô bảo ban trực tiếp là động lực quan trọng để chúng em kết thúc tốt năm học cuối cấp", Đỗ Châu San, học sinh lớp 9/2 nói.

Giáo viên cũng tìm được cảm giác thân thuộc hơn khi đứng trên bục giảng, viết trên bảng phấn. Thầy Nguyễn Thanh Tuấn, giáo viên Toán trường THCS Lương Định Của phấn khởi khi lần đầu gặp trực tiếp học trò do mình chủ nhiệm, dù dạy học trong bối cảnh này có những khó khăn nhất định.

"Khi tách lớp, việc dạy hai lớp nhỏ cùng lúc có đôi chút bất tiện, nhiều khi sẽ không đủ thời gian. Do đó, giáo viên phải nỗ lực nhiều hơn để khắc phục. Tôi tin tưởng dạy trực tiếp sẽ giúp học sinh sẽ hiểu bài chắc hơn", thầy Tuấn nói.

Còn với thầy Nguyễn Tường Thịnh, giáo viên Vật lý trường THPT Nguyễn Du (quận 10), việc dạy trực tiếp giúp thầy bắt được phản ứng của học trò qua ánh mắt, thái độ.

"Trước đây dạy online, khi đặt câu hỏi, phải mất 2-3 giây, thậm chí lâu hơn mới nhận được câu trả lời từ các em. Nay, mọi việc gần như tức khắc. Buổi đầu học trực tiếp, em nào cũng hăng say, chăm chú khiến giáo viên không còn gì vui hơn", thầy Thịnh chia sẻ.

Vừa là giáo viên bộ môn, vừa chủ nhiệm lớp 12, thầy Thịnh càng chú ý nhắc nhở học trò các biện pháp phòng dịch. Thầy kể, ban giám hiệu trường vừa lập kế hoạch "Lớp học xanh" cho học sinh khối 12. Theo đó, tối chủ nhật hàng tuần, phụ huynh được khuyến khích test nhanh cho con và báo lại kết quả cho giáo viên chủ nhiệm.

"Tôi từng nhiễm rồi khỏi Covid-19 nên phần nào hiểu căn bệnh này. Thấy học trò đều được tiêm vaccine, thể trạng các em đều tốt nên tôi khá yên tâm", thầy Thịnh nói.

Học sinh trường THPT Trưng Vương trong buổi học đầu tiên. Ảnh: Quỳnh Trần

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Học sinh trường THPT Trưng Vương trong buổi học đầu tiên. Ảnh: Quỳnh Trần

Trong ngày đầu tổ chức dạy học trực tiếp, hơn 128.000 học sinh khối 9 và 12 tại TP HCM (chiếm 90%) đến lớp. Riêng huyện Củ Chi xin tạm hoãn đến ngày 20/12 do tỷ lệ đồng thuận của phụ huynh còn thấp.

Theo yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo, thời khoá biểu dạy trực tiếp của các trường trung học ở địa bàn cấp độ 1 không quá 30 tiết mỗi tuần. Thời lượng còn lại, nhà trường có thể dạy học trực tuyến hoặc giao bài học qua hệ thống quản lý học tập (LMS). Với trường ở địa phương cấp độ 2, số tiết tối đa mỗi tuần là 18; ở cấp độ 3, số tiết tối đa là 12.

 

Mạnh Tùng

theo vnexpress.net