Sẵn sàng đón thêm học sinh đến trường

2021-12-31 14:47:39

 Thông tin học sinh các khối 7, 8, 10, 11 ở TP.HCM sẽ được đến trường từ ngày 4-1 khiến nhiều giáo viên và học sinh nôn nao.

Sẵn sàng đón thêm học sinh đến trường - Ảnh 1.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Quang Khải, quận 1, TP.HCM ôn tập chuẩn bị kiểm tra học kỳ 1 sáng 30-12 - Ảnh: N.HÙNG

Thầy Nguyễn Minh Hoàng, hiệu trưởng Trường THPT Trường Chinh, quận 12, cho biết: "Trường chúng tôi đã lên phương án cụ thể, sẵn sàng đón thêm học sinh lớp 10, 11 đi học lại. Các phương án phòng chống dịch chúng tôi đã thực hiện nhuần nhuyễn trong hơn 2 tuần qua. Học sinh lớp 12 sẽ học 5 buổi/tuần, học sinh lớp 10, 11 sẽ học 3 buổi/tuần".

Nhà trường mong muốn cho học sinh trở lại trường học trực tiếp vì thời gian qua việc học sinh lớp 9 đi học trở lại đã phát huy hiệu quả. Khảo sát của trường cho thấy khoảng 30% học sinh học trực tuyến không đạt hiệu quả nên sau hai tuần học sinh lớp 9 đến trường thì phần kiến thức hổng đã được bổ khuyết cho các em.

 Cô NGUYỄN ĐOAN TRANG (hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, quận 1)

Tự tin đón học sinh

Đánh giá rằng "học sinh khối 7, 8 nên đến trường trực tiếp trở lại", ông Trần Thanh Tùng, hiệu trưởng Trường THCS Lê Lai, quận 8, cho biết trường rất tự tin trong việc đón học sinh lớp 7, 8 trở lại trường theo chủ trương của TP. Hiện nay, nhà trường đã chuẩn bị phương án đón học sinh đảm bảo an toàn phòng chống dịch. 

Trường có khoảng 40 phòng học nên khi học sinh khối 7, 8, 9 đều đến trường thì nhà trường sẽ chia ra hai ca sáng và chiều. Trường dự định bố trí khối 8, khối 9 đi học buổi sáng và khối 7 học buổi chiều.

"Bình quân mỗi lớp có 45 em, trường sẽ chia một lớp ra làm hai phòng, các phòng cách nhau thông thoáng. Khi vào trường học sinh cùng buổi sẽ đi vào bằng 2 cổng riêng biệt và phân làm 4 luồng để lên lớp theo khoảng cách. Trường có lợi thế là sân chơi rộng và đã chuẩn bị sẵn chỗ rửa tay, sát khuẩn cho học sinh theo khu vực. 

Quận 8 là cấp độ một, nên trường dạy tối đa 30 tiết/tuần, học sinh được học 100% trực tiếp. Chúng tôi sẽ sắp xếp lớp 4 tiết, lớp 5 tiết để giãn thời gian ra về không trùng nhau giữa các tiết học đối với các khối học trong cùng một buổi" - ông Tùng thông tin.

Cũng theo ông Tùng, việc nhà trường mong mỏi cho học sinh khối 7, 8 đi học trở lại còn bởi lẽ nhà trường ghi nhận việc học hành của học sinh khối 9 diễn ra vui vẻ, an toàn, hiệu quả sau 3 tuần trở lại trường học trực tiếp. Hiện nay tỉ lệ học sinh lớp 9 đến trường trực tiếp đạt 95%.

Tại Trường THCS Tân Tạo, quận Bình Tân, số học sinh lớp 9 đi học trở lại đạt 100%. 

"Ban đầu chỉ 55% phụ huynh lớp 9 đồng ý cho con đi học lại nhưng sau khi nhà trường dạy ổn, đảm bảo an toàn, đến nay sau 3 tuần học trực tiếp, tỉ lệ học sinh lớp 9 đi học lại đạt 100% và không có trường hợp F0 nào" - bà Nguyễn Thị Hồng Châu, hiệu trưởng Trường THCS Tân Tạo, cho biết.

Học sinh háo hức, phụ huynh lo

Chiều 30-12, khi chúng tôi đặt câu hỏi về việc đi học lại, Thảo Nguyên, học sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1, bày tỏ: "Em đang mong từng ngày để được đi học, được trực tiếp nghe các thầy cô giảng bài, trực tiếp nói chuyện với bạn bè. Từ khi biết mình đậu lớp 10 đến nay, em mới chỉ đến trường 2 lần để tiêm vắc xin mà thôi. Sắp hết một học kỳ mà em vẫn chưa được gặp mặt các thầy cô giáo của lớp mình". 

Nguyên cho biết quy định 5K em đã thực hiện trong 2 năm học trước nên không có gì phải lo lắng cả.

Nghe bạn bè kháo nhau có thể được đến trường vào ngày 4-1, em N.P., học sinh lớp 7 tại quận 10, vui mừng chia sẻ: "Vui quá vậy là sắp được gặp trực tiếp thầy cô, bạn bè, được nghe thầy cô giảng bài bên ngoài... máy tính rồi". 

N.P. cũng cho biết em háo hức ngày trở lại trường vì thời gian qua đã ở nhà quá lâu và em chưa được gặp trực tiếp các thầy cô mới của lớp năm nay.

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều phụ huynh tỏ ra băn khoăn với biến thể mới của COVID-19. 

"Tôi rất lo và cảm thấy không yên tâm về việc đi học lại của con mình. Thế nhưng thấy con háo hức, vui mừng chuẩn bị cho ngày đến trường, tôi không nỡ làm con thất vọng. Vì vậy tôi đã bỏ phiếu đồng thuận khi nhà trường khảo sát ý kiến phụ huynh" - bà Nguyễn Thị Thắm, phụ huynh có 2 con học THCS ở quận Tân Bình, tâm sự.

Tách lớp không còn ý nghĩa

"Thực hiện theo bộ tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục phổ thông (do UBND TP.HCM ban hành), trường chúng tôi phải tách lớp ra làm đôi để đảm bảo tiêu chí 3: Khoảng cách học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên trong phòng học, phòng thi, phòng làm việc từ 1m trở lên. 

Thế nhưng sau hơn 2 tuần thực hiện thí điểm đón học sinh đi học lại, tôi thấy giải pháp này không hiệu quả" - hiệu trưởng một trường trung học ở quận Bình Thạnh nhận định.

Theo vị này, học sinh của 1 lớp học tách ra ngồi ở 2 phòng nhưng số lượng giáo viên thì vẫn như cũ. Thế nên 1 giáo viên phải dạy cùng lúc cho học sinh ở 2 phòng. Phương án lúc đầu là giáo viên dạy ở phòng này thì cho bài tập bên phòng kia và ngược lại. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. 

Chỉ những phòng có giáo viên đứng lớp thì học sinh mới chăm chú học tập, phòng bên kia không có giáo viên nên thay vì làm bài giáo viên giao, các em tụ lại để "tám" chuyện. Các giáo viên cũng than là dạy như vậy vừa mệt vừa không hiệu quả.

Một hiệu trưởng ở quận 12 cũng cho biết: "Trường chúng tôi có hệ thống máy móc kết nối để giáo viên giảng bài ở phòng bên này thì phòng bên kia cũng sẽ nghe được. Đồng thời, các thầy giám thị sẽ tăng cường xuống các lớp để nhắc nhở học sinh tập trung vào bài học. 

Nhưng thực tế ở những phòng không có giáo viên đứng lớp thì học sinh tụ lại nói chuyện rất nhiều, giám thị nhắc không xuể. Mà việc tụ lại như vậy rất nguy hiểm. Chưa kể một số phụ huynh cũng không đồng tình với việc tách lớp như vậy. 

Họ nói họ cho con đi học là mong muốn con được học trực tiếp với giáo viên. Chứ học mà không thấy mặt giáo viên thì họ cho con ở nhà học trực tuyến".

Sốt ruột với việc đi học lại

Huyện Củ Chi mới chỉ cho 2 trường mở cửa. Lãnh đạo huyện phát biểu trên báo rằng phụ huynh đồng thuận không cao nên chưa cho mở cửa trường. Tôi không đồng tình với quan điểm này. Việc mở cửa trường hay không thì cơ quan nhà nước phải hỏi ý kiến của ngành y tế chứ sao lại hỏi phụ huynh.

Tôi tự hỏi Củ Chi là vùng dịch mức độ 1 thì tại sao UBND huyện lại không cho mở cửa trường? Con tôi sau thời gian dài học online đã bị nghiện phim dài tập trên YouTube mà vợ chồng tôi đang rất vất vả cai nghiện cho con. Những hệ lụy của việc học online như thế này, cơ quan nhà nước có biết không?

Anh N.H.T. (phụ huynh ở huyện Củ Chi)

Đón thêm học sinh là phù hợp

hoc sinh

Một tiết học của học sinh lớp 9/7 Trường THCS Nguyễn Hiền, quận 7, TP.HCM - Ảnh: ANH KHÔI

Ông Dương Văn Dân, trưởng Phòng GD-ĐT quận 8, cho biết ông rất đồng tình và mong muốn học sinh khối 7, 8 được trở lại trường cùng với khối 9 ngay sau Tết dương lịch. "Vì các khối lớp này đã được chích ngừa 2 mũi vắc xin và việc đi học trực tiếp của khối 9 diễn ra suôn sẻ nên phụ huynh an tâm cho con tới trường", ông nói.

Không chỉ vậy, ông Dân cũng mong muốn cho học sinh khối lớp 1, 2 bậc tiểu học được đi học trở lại. Vì các em này đang theo học chương trình sách giáo khoa mới, lại đang quá nhỏ nên việc học trực tuyến ít mang lại hiệu quả so với lứa tuổi lớn.

Tình hình cũng tương tự tại quận Bình Tân, quận có đông học sinh nhất TP.HCM. Ông Ngô Văn Tuyên, trưởng Phòng GD-ĐT quận Bình Tân, cho biết hiện nay học sinh lớp 9 đi học trực tiếp trên toàn quận tăng từ 94,4 lên 95,6%.

"Các trường THCS đủ điều kiện để đón học sinh khối 7, 8 trở lại trường học trực tiếp. Còn một số phụ huynh chưa đồng ý để các em trở lại trường vì họ muốn theo dõi diễn biến sau khi đến trường của các học sinh khác thế nào, mới cho con cái mình theo" - ông Tuyên nói.

HOÀNG HƯƠNG - MỸ DUNG

theo tuoitre.vn/