Không có sản phẩm nào trong giỏ hàng
Anh Phạm Thu Trang tự chế bảng thông minh nâng hạ chiều cao, tích hợp màn hình, loa để học sinh tiếp thu bài học sinh động hơn, giành giải Sáng kiến Khoa học 2024.
Tác giả Phạm Thu Trang (giữa) nhận giải khuyến khích Cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2024. Ảnh: Ngọc Thành
Gần 13 năm làm giáo viên dạy nhạc tại các điểm trường khó khăn tỉnh Điện Biên, thầy Trang, giáo viên trường THCS Tân Phong, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ thấu hiểu việc học sinh miền núi khó tiếp cận với những bài giảng ứng dụng công nghệ. Dù không có kiến thức chuyên môn về điện tử, anh Trang tự mua màn hình, bo mạch cũ, dây cáp kết nối về nhà mày mò chế tạo bảng thông minh cho học sinh miền núi.
Theo tác giả, bảng viết hiện nay thường đặt cố định, các thầy cô lại có chiều cao khác nhau. Những giáo viên thấp thường viết được phần dưới của bảng, còn người có chiều cao phải khom người viết gây bất tiện. Học sinh nhiều trường hợp khó theo dõi được nội dung bài học, hoặc viết bảng gặp khó khăn do những bất cập trên.
Bảng thông minh có thể kéo di động phần giữa để học sinh trải nghiệm theo dõi bài giảng trên màn hình. Ảnh: NVCC
Mong muốn học sinh học bài tốt hơn, đồng nghiệp đỡ vất vả, thầy giáo Trang tự chế tạo bảng có phần khung di động, có thể tự nâng lên hạ thấp tối đa 70 cm so với mặt đất. Cơ chế nâng hạ được sử dụng xi lanh gắn động cơ điện 12V.
Không dừng lại ở đó, thầy giáo 37 tuổi, muốn biến bảng truyền thống trở nên thông minh bằng cách chia bảng thành 3 phần, phần giữa gắn màn hình và loa phục vụ trình chiếu bài học. Khi muốn sử dụng màn hình, giáo viên kéo phần bảng ở giữa sang bên còn lại để trình chiếu bài giảng, và kéo trở lại khi muốn trở về bảng truyền thống. Màn hình và loa được điều khiển bởi một main của máy tính cũ. Giáo viên chỉ cần kết nối điện thoại, máy tính với màn hình trên bảng thông qua cáp, cổng HDMI hay module kết nối không dây để chiếu bài giảng. Bảng cũng tích hợp cổng USB. Bên cạnh màn hình led, bảng được bố trí hai loa, có thể kết nối bluetooth.
Theo thầy Trang, thực tế với những bài giảng trình chiếu bằng Power Point, đôi khi giáo viên phải dùng phấn viết lên bảng để diễn giải. "Bảng thông minh sẽ đáp ứng đầy đủ những yêu cầu này để tiết học trở nên thú vị hơn cả với giáo viên và học trò", anh nói. Với việc tận dụng màn hình, linh kiện, dây cáp cũ, chi phí cho một bảng thông minh vào khoảng 3 triệu đồng. Sản phẩm được sử dụng hơn 2 năm nay, tại hai điểm trường giúp học sinh hứng thú trong tiết học.
Anh kể, khi làm sản phẩm đã mua linh kiện, tự hàn xì, tạo khung bảng và làm đi làm lại nhiều lần. Có lần mũi hàn đụng vào tay, khiến anh bị bỏng nhưng vẫn không bỏ cuộc. Thấy chi tiết không hợp lý, anh tháo ra làm lại đến khi cảm thấy đạt yêu cầu mới thôi. "Sắp tới có thể tích hợp hệ thống năng lượng mặt trời giúp bảng có thể hoạt động những nơi không có điện", anh nói và cho biết sẽ đầu tư các thiết bị mới để bảng hoạt động đồng bộ, ổn định hơn vì sản phẩm hiện tại dùng các linh kiện cũ. Tác giả sẽ tích hợp thêm quạt trên bảng để làm mát phục vụ giáo viên, học sinh.
Học sinh thích thú khi theo dõi bài học sinh động trên bảng thông minh. Ảnh: NVCC
Sản phẩm "Bảng viết theo độ tuổi cho học sinh vùng khó khăn theo chương trình phổ thông 2018" của thầy Phạm Thu Trang giành giải Khuyến khích trị giá 10 triệu đồng tại Cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2024, do báo VnExpress tổ chức. PGS.TS Mai Anh Tuấn, giảng viên cao cấp, trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trưởng ban giám khảo, đánh giá dù là giáo viên dạy nhạc nhưng thầy Trang với đam mê khoa học, yêu học trò đã sáng tạo sản phẩm hữu ích. Bảng thông minh giúp học sinh vùng cao tiếp cận với những tiết học ứng dụng công nghệ, rất có ý nghĩa về mặt xã hội.
Để sản phẩm ứng dụng rộng rãi hơn, PGS Tuấn góp ý tác giả cần đầu tư hoàn thiện phần cơ khí trượt lên xuống, làm mạch điện tử có thể dùng chung cho tất cả các bảng... "Thầy Trang cần được sự hỗ trợ các đơn vị chuyên môn để nhân rộng sản phẩm này cho học sinh vùng núi", PGS Tuấn nói.
Hà An