Thầy hiệu phó xin đi cách ly cùng học sinh

2021-06-01 14:17:03

Đêm 14/5, nhận được quyết định cách ly tập trung 4 giáo viên và 64 học sinh, sau khi trường có một em mắc Covid-19, thầy Cao Xuân Thành, Hiệu phó trường Tiểu học Hương Sơn, huyện Lạng Giang, không ngủ được. Nghĩ tới học trò tay xách nách mang vào khu cách ly, xa gia đình 21 ngày, thầy rơi nước mắt.

Sáng hôm sau, thầy Thành lên UBND xã Hương Sơn xem có thể giúp được việc gì. Các trường mầm non trong xã đã được huy động làm khu cách ly, hết chỗ nên học sinh được chuyển đến xã Thái Đào, cách xã Hương Sơn 20 km. Hương Sơn là xã khó khăn với 80% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Không yên tâm để các em phải đi xa, thầy Thành xin tổ chức cách ly tại trường và được đồng ý.

Thầy Cao Xuân Thành, Hiệu phó trường Tiểu học Hương Sơn, huyện Lạng Giang, Bắc Giang, dọn dẹp các phòng học làm nơi cách ly cho học trò hôm 15/5. Ảnh: NVCC.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thầy Cao Xuân Thành, Hiệu phó trường Tiểu học Hương Sơn, huyện Lạng Giang, Bắc Giang, dọn dẹp các phòng học làm nơi cách ly cho học trò hôm 15/5. Ảnh: NVCC.

Ngay sau đó, thầy Thành huy động lực lượng dọn dẹp các phòng học và bố trí 16 phòng làm nơi cách ly. Mỗi phòng đều có quạt trần, quạt treo tường, sắp xếp 4-5 học sinh ở. Thầy đi kiểm tra khu vực vệ sinh trong trường xem còn hoạt động tốt không. Thấy không có nhà tắm, thầy Thành cùng hội phụ huynh cải tạo khu vực để xe làm nơi tắm giặt cho học trò.

Trường chỉ có 4 cô giáo cách ly cùng, khó bao quát và chăm lo đầy đủ cho 64 học trò, thầy Thành quyết định xin cách ly cùng. "Tôi không cân nhắc nhiều, học trò cũng như con trai tôi. Các em chủ yếu là người Nùng, Sán Dìu, chưa xa nhà bao giờ, nay phải vào ở 3 tuần, không biết sẽ xoay sở thế nào", thầy Thành nói.

Thầy Thành cho hay cô hiệu trưởng xin đi cùng, nhưng bị từ chối vì phải xử lý nhiều công việc. Đề xuất của thầy sau đó được lãnh đạo chấp nhận. Chuẩn bị sẵn sàng tâm lý đi cách ly, nhưng trở ngại lớn nhất khi đó của thầy Thành là gia đình. Gọi điện về cho vợ, thầy nghĩ cách trấn an mọi người ở nhà yên tâm. "Lúc đầu bà xã tưởng tôi đùa, nhưng sau khi nghe giải thích, vợ ủng hộ, dặn tôi giữ gìn sức khỏe", thầy Thành kể.

Các em nhỏ tham gia cuộc thi vẽ tranh tại phòng do thầy Thành phát động. Ảnh: NVCC.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các em nhỏ tham gia cuộc thi vẽ tranh tại phòng do thầy Thành phát động. Ảnh: NVCC.

Vợ thầy Thành cũng là giáo viên, hiểu tình hình dịch bệnh và cảm thông với trách nhiệm của chồng. Chiều hôm ấy, thầy Thành về nhà, thu dọn tư trang đi cách ly cùng học trò. Tại trạm cách ly dựng lên trong khu hiệu bộ của trường, thầy Thành là giáo viên duy nhất.

Hôm đầu tiên trong khu cách ly, những đứa trẻ òa khóc nhớ bố mẹ. Các cô giáo phải thay nhau dỗ dành và trấn an chúng. Đêm đến, các em không ngủ được, bật điện sáng vì lạ nhà. Lúc đầu nhắc nhở các em tắt điện, nhưng nghĩ thương nên thầy Thành lại đến từng phòng động viên.

Hiểu tâm lý học sinh ở lứa tuổi này hiếu động và cần được vận động, thầy Thành nghĩ cách để trẻ vơi nỗi nhớ nhà và được vui chơi. Thầy mua vở ô ly, bút chì, bút màu và đất nặn, tổ chức cuộc thi vẽ tranh về chủ đề phòng chống Covid-19. Mỗi ngày, thầy nghĩ ra một hoạt động để thu hút các em, tạo điều kiện cho trẻ sáng tạo. Ngoài vẽ tranh, học sinh đọc truyện do các mạnh thường quân hỗ trợ.

"Đến ngày thứ ba, các em hầu như trở về trạng thái tâm lý bình thường, không còn khóc hay buồn chán. Các em say sưa vẽ và hào hứng bình chọn bức tranh nào đẹp nhất", thầy Thành kể.

Hàng ngày, thầy hiệu phó dậy sớm tập thể dục, sau đó mặc đồ bảo hộ đi kiểm tra một vòng quanh trường, tự sửa chữa những thiết bị hỏng hóc. Thầy Thành cho hay, trong khu cách ly, khâu vệ sinh là cực kỳ quan trọng nên thầy luôn vào kiểm tra nhà vệ sinh có sạch sẽ và thiếu nước hay không.

Đến giờ ăn sáng, thầy thông báo qua loa để giáo viên và học sinh xuống lấy đồ. Ăn xong, các em được hướng dẫn thu gom đồ dùng một lần vào đúng nơi quy định.

Hàng sáng, thầy Thành mặc đồ bảo hộ, đi kiểm tra đường điện, nước, các thiết bị quanh trường để chắc chắn cơ sở vật chất đảm bảo cho các em cách ly. Ảnh: NVCC.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hàng sáng, thầy Thành mặc đồ bảo hộ, đi kiểm tra đường điện, nước, các thiết bị quanh trường để chắc chắn cơ sở vật chất đảm bảo cho các em cách ly. Ảnh: NVCC.

Sau bữa sáng, lực lượng y tế phun khử khuẩn các phòng ở hai lần một ngày. Bác sĩ cũng tới từng phòng đo thân nhiệt cho học sinh, trước khi các em bắt đầu hoạt động trong ngày do thầy Thành tổ chức.

"Vào đây cách ly, tôi mới thấy quyết định của mình là đúng đắn. Nếu hôm ấy không đi, tôi đã áy náy biết nhường nào", thầy Thành tâm sự.

Quyết định cách ly ban đầu là 21 ngày và đến 5/6 các em mới hoàn thành. Đến ngày 25/5, Sở Y tế Bắc Giang có văn bản hướng dẫn tạm thời cách ly y tế cho trẻ dưới 15 tuổi. Theo đó, trẻ từ 5 đến 15 tuổi cách ly y tế tập trung 7 ngày đầu, sau khi có kết quả xét nghiệm ba lần âm tính với nCoV thì được phép cách ly tại nhà.

Vì vậy, hôm 26/5, 64 học sinh đã được về cách ly tại nhà. Hiện khu cách ly chỉ còn lại 4 cô giáo trường Tiểu học Hương Sơn và 2 giáo viên mầm non. Thầy Thành và 8 người khác ở lại trạm cho tới khi không có trường hợp nào mắc bệnh.

Bình Minh

 theo vnexpress.net