Thiếu 76.000 giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

2019-02-26 17:53:21

Chiều 9-1, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó sẽ bàn kỹ các điều kiện đủ để chương trình khả thi và lộ trình thực hiện.

Thiếu 76.000 giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới - Ảnh 1.

 

Một buổi hoạt động trải nghiệm ở làng gốm Bát Tràng của học sinh trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội - Ảnh: HUY TRẦN

Thiếu gần 76.000 giáo viên

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT về việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, tính đến tháng 10-2018, toàn quốc có 1.161.143 giáo viên mầm non, phổ thông (công lập 1.089.837, ngoài công lập 71.306), cơ bản đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định về trình độ đào tạo.

Cũng theo báo cáo, so với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là 75.989 người

Trong đó, mầm non thiếu 43.732 người, tiểu học thiếu 18.953 người, THCS thiếu 10.143 người, THPT thiếu 3.161 người.

Riêng cấp THCS, hiện nay có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được và giữa các tỉnh, thành. 

Đến thời điểm hiện tại, toàn quốc thiếu 10.143 giáo viên THCS một số môn nhưng vẫn thừa 12.165 giáo viên THCS môn khác.

Theo Bộ GD-ĐT, trên cơ sở rà soát, Bộ GD-ĐT phối hợp các UBND tỉnh, thành sẽ có đề xuất với Thủ tướng giải pháp khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên.

Để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, bên cạnh việc thúc đẩy đổi mới đào tạo ở các cơ sở đào tạo giáo viên, đào tạo giáo viên cho những môn học mới thì việc tập huấn giáo viên hiện có là mục tiêu quan trọng. 

Cở sở vật chất, thiết bị chưa đáp ứng 

Theo báo cáo của các địa phương về thực trạng cơ sở vật chất và thiết bị dạy học năm 2018, cả nước có hơn 560.000 phòng học, trong đó tỷ lệ phòng học kiên cố chỉ đạt chưa đến 75%.

Thiếu 76.000 giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới - Ảnh 2.

Việc áp dụng phương pháp dạy học mới sẽ gặp cản trở do thiếu trường lớp - Ảnh: VĨNH HÀ

 

So sánh các bậc học, mầm non có tỉ lệ kiên cố hóa thấp nhất, chỉ đạt khoảng 65%. Riêng vùng miền núi phía Bắc, vùng Tây nguyên, Tây Nam bộ, tỉ lệ phòng học kiên cố hóa còn thấp hơn nữa. Cá biệt, vùng Tây nguyên, tỉ lệ phòng học kiên cố hóa bậc mầm non chi đạt dưới 45%.

Với phòng học bộ môn, cấp THCS và THPT trung bình mỗi trường có khoảng 4-5 phòng học. 

Tuy nhiên, không phải phòng học bô môn nào cũng đáp ứng được quy định chung. Ở bậc THCS, chỉ có 70% số phòng đáp ứng quy định và tỉ lệ này ở THPT là gần 77%.

Điều đáng lo ngại là ngay với chương trình hiện hành, thiết bị dạy học tối thiểu ở nhiều nơi đã thiếu thốn, không đáp ứng yêu cầu.  

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy ba khu vực khó khăn là vùng miền núi phía Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ, thiết bị dạy học tối thiểu đều chưa đáp ứng được 50% nhu cầu.

Việc thực hiện chương trình mới trên nền tảng thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học như vậy sẽ không tránh khỏi những khó khăn nhất định.

Bộ GD- ĐT đặt ra mục tiêu từng bước "lấp đầy" sự thiếu hụt khi triển khai chương trình mới. Về phòng học, cấp tiểu học bảo đảm 1 lớp/phòng để học 2 buổi/ngày và cấp THCS, THPT  bảo đảm yêu cầu tối thiểu 0,6 lớp/phòng để tổ chức học các môn tự chọn.

Về thiết bị dạy học, Bộ GD-ĐT sẽ sửa đổi, bổ sung danh mục thiết bị dạy học theo lộ trình thực hiện chương trình mới trên nguyên tắc kế thừa những thiết bị đã có, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và các phần mềm thay thế thiết bị chứng minh, phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ hiện nay.

 

Nguồn: Tuoitre.vn