Không có sản phẩm nào trong giỏ hàng
Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT không quy định “nhiệm vụ” của giáo viên thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp vì đã có trong chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021.
Ngày 30/11/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Theo đó, Điều 3 quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp không có phần “nhiệm vụ” cho giáo viên có thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp so với chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Có phải Bộ Giáo dục bỏ quên “nhiệm vụ” của giáo viên thăng hạng chức danh?
Bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên vẫn phải căn cứ vào nhiệm vụ
Trung tuần tháng 12/2021, các đơn vị trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh triển khai hồ sơ bổ nhiệm chức danh cho giáo viên bậc trung học phổ thông hạng III.
Công văn 2802/SGDĐT-TCCB ngày 19/10/2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh về triển khai, hướng dẫn thực hiện các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên phải căn cứ vào các Điều 3, 4, 5, 7 chùm Thông tư 01, 02, 03, 04.
Trong đó, Điều 3 chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 đều quy định rõ nhiệm vụ của giáo viên các cấp trước và sau khi thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Thời gian qua, việc triển khai bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp cho giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh đều thực hiện theo Công văn 2802/SGDĐT-TCCB.
Ảnh minh hoạ: CTV/Giaoduc.net.vn |
Như thế để thấy rằng, chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 còn hiệu lực nên việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên vẫn phải căn cứ vào nhiệm vụ theo quy định hiện hành.
Hơn nữa, Khoản 1 Điều 2 Thông tư 34 cho biết, “nguyên tắc tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên được thực hiện theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức”.
Cụ thể, Điều 31 Nghị định 115 quy định căn cứ, nguyên tắc tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp:
“Việc thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải căn cứ vào vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và phù hợp với cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.
Vị trí việc làm của giáo viên đều được thể hiện thông qua các nhiệm vụ đang làm. Ví dụ, ở trường học thì có các vị trí việc làm của lãnh đạo (hiệu trưởng, hiệu phó); giáo viên; nhân viên. Riêng vị trí việc làm của giáo viên là tổ trưởng, tổ phó chuyên môn cũng khác với giáo viên không giữ chức vụ.
Cùng với đó, Khoản 1 Điều 3 Thông tư 34 quy định giáo viên được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
“Cơ sở giáo dục có nhu cầu và được người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý cử đi dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp”.
“Cơ sở giáo dục có nhu cầu” được hiểu là, lãnh đạo cần giáo viên ở hạng cao hơn (so với hạng thấp nhất) để thực hiện các nhiệm vụ khó khăn, phức tạp hơn ở trường học. Chẳng hạn, nhiệm vụ giáo viên trung học phổ thông hạng II là làm báo cáo viên, dạy minh họa, dạy thử nghiệm…
Hay giáo viên bậc trung học phổ thông hạng I phải có khả năng: “Tham gia biên soạn hoặc thẩm định hoặc lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương hoặc các tài liệu dạy học khác và tài liệu bồi dưỡng cho giáo viên” (Thông tư 04).
Ngoài ra, mục hướng dẫn minh chứng và chấm điểm về thực hiện nhiệm vụ của hạng II đối với giáo viên đăng ký dự xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II trong trường hợp số lượng hồ sơ xét thăng hạng đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 34 nhiều hơn số chỉ tiêu thăng hạng được cấp có thẩm quyền giao vẫn yêu cầu điểm chấm minh chứng.
Ví dụ, đối với giáo viên trung học phổ thông, quy định điểm chấm minh chứng về thực hiện nhiệm vụ như sau:
a) Làm báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên từ cấp trường trở lên hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp, công nghệ mới; chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên đề ở tổ chuyên môn hoặc tham gia xây dựng học liệu điện tử: 1,0 điểm;
b) Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ từ cấp trường trở lên: 1,0 điểm;
c) Tham gia đánh giá ngoài hoặc công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên từ cấp trường trở lên: 1,0 điểm;
d) Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi hoặc giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường trở lên: 1,0 điểm;
đ) Tham gia ra đề hoặc chấm thi học sinh giỏi trung học phổ thông từ cấp trường trở lên: 1,0 điểm;
e) Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các hội thi hoặc các sản phẩm nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh trung học phổ thông từ cấp trường trở lên: 1,0 điểm;
g) Tham gia các hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng; thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục học sinh: 1,0 điểm.
Nhìn chung, quy định nhiệm vụ cho giáo viên tham gia thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp là một trong những bất cập lớn của chùm Thông tư 01, 02, 03, 04. Mong rằng Bộ Giáo dục khi chỉnh sửa chùm Thông tư này thì lưu ý quy định về nhiệm vụ để nhiều giáo viên có thêm cơ hội thăng hạng chức danh.