Không có sản phẩm nào trong giỏ hàng
Tại buổi làm việc, bà Mai Thị Hồng Hoa - phó chủ tịch UBND quận 1 - thông tin số lượng F0 được phát hiện khi các trường trung học đón học sinh đi học lại là 73 học sinh, 8 giáo viên và 2 nhân viên. Hầu hết các trường hợp này đều phát hiện tại nhà, chỉ có 3 trường hợp phát hiện tại trường.
Cũng theo bà Hoa, tỉ lệ phụ huynh đồng thuận cho con đi học lại sau Tết Nguyên đán năm 2022 ở khối mẫu giáo hiện nay chưa cao, với 40,78% đối với lớp 5-6 tuổi, 34,47% với trẻ 4-5 tuổi và 24,75% trẻ từ 3-4 tuổi.
Đối với bậc tiểu học, tỉ lệ đồng thuận cao hơn với 66,19% ở lớp 1; 63,03% ở lớp 2; 67,66% ở lớp 3; 62,14% ở lớp 4 và 32,32% đối với lớp 5. Riêng khối 6 có 45,9% phụ huynh đồng thuận cho con đến trường.
Phát biểu tại buổi làm việc, cô Trần Bé Hồng Hạnh - hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học - cho biết: tỉ lệ phụ huynh đồng thuận cho con đi học lại sau Tết Nguyên đán đã tăng từ 30% ở đợt khảo sát đầu tiên lên 40% ở đợt thứ 2 và kết quả khảo sát mới đây nhất cho thấy đã tăng lên 69,9%.
Trước thực trạng trên, UBND quận 1 đề xuất UBND TP.HCM xem xét tiêm vắc xin cho học sinh từ 3-12 tuổi để tổ chức cho các em đi học lại sau Tết Nguyên đán, đồng thời tiếp tục tuyên truyền cho người dân về sự cần thiết cho học sinh đi học trực tiếp để đảm bảo sự phát triển toàn diện của các em.
UBND quận 1 cũng cho hay hiện nay, cơ sở giáo dục gặp khó khăn về kinh phí để trang bị bộ test nhanh COVID-19, dụng cụ, thiết bị y tế. Một số cơ sở giáo dục không có nhân sự chuyên trách về y tế mà giáo viên, ban giám hiệu kiêm nhiệm nên việc test cho học sinh khi có F0 không tự thực hiện được.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Minh Nhựt - phó trưởng Ban Văn hóa - xã hội, HĐND TP.HCM - cho biết hiện nay UBND TP.HCM đã cho phép học sinh các khối lớp từ 7 đến 12 đến trường học trực tiếp, tuy nhiên đối tượng nhỏ hơn (gồm học sinh mầm non, tiểu học và lớp 6) vẫn đang lắng nghe ý kiến từ dư luận và đánh giá tình hình thực tế trước khi quyết định mở rộng đối tượng học sinh đi học lại.