Không có sản phẩm nào trong giỏ hàng
Metaverse ngày nay đã trở thành trào lưu của toàn thế giới. Cuộc sống của con người ngày càng trở nên hiện đại, do đó công nghệ không ngừng đổi mới và phát triển nhằm phục vụ đời sống và nhu cầu của con người. Những phát minh mới về metaverse, những ứng dụng metaverse trong đời sống thường ngày giúp con người khám phá thế giới xung quanh, tiếp cận kho tàng tri thức của nhân loại.
Theo các chuyên gia công nghệ, metaverse sẽ giúp xoá nhoà khoảng cách địa lý, định danh của con người, và học sinh có thể học được từ những người giỏi nhất với chi phí thấp nhất. Tuy nhiên, nó cũng có những nhược điểm nhất định nếu học sinh tiếp cận quá sớm, làm mất đi những kỹ năng quan trọng như giao tiếp.
Thời gian gần đây, từ khoá "metaverse" đã liên tục được các gã khổng lồ công nghệ như Facebook, Google…nhắc đến, thậm chí CEO Facebook, Mark Zuckerberg còn mô tả tương lai của công ty sẽ không còn nằm ở mạng xã hội nữa mà là xây dựng một metaverse - cái được xem như một hiện thân mới của Internet trong 5 năm tới.
Vậy metaverse là gì? Nói một cách ngắn gọn, metaverse - hay một siêu vũ trụ ảo - là nơi bất cứ thứ gì chúng ta có thể tưởng tượng ra đều tồn tại. Mục tiêu là tạo ra một không gian tương tự Internet, nhưng người dùng (thông qua hình đại diện kỹ thuật số) có thể đi vào bên trong và tương tác với người khác trong thời gian thực. Về lý thuyết, bạn có thể ngồi quanh bàn họp ảo với các đồng nghiệp từ khắp nơi trên thế giới - thay vì nhìn chằm chằm vào khuôn mặt 2D của họ trên Zoom - và sau đó đi đến một cửa hàng Starbucks ảo để gặp mẹ của bạn, người đang sống ở đầu kia của đất nước.
Chia sẻ trong sự kiện TechForStudy được tổ chức mới đây, ông Vũ Duy Thức, TS. ĐH Stanford, CEO Ohmnilabs cho biết, metaverse là một xu hướng không thể cưỡng lại của xã hội, của nhu cầu của con người. Công nghệ này đem lại rất nhiều mặt tốt như giúp xóa đi khoảng cách về địa lý giữa những người tham gia cùng không gian (space).
"Hiện các trường học bên Mỹ và một số nơi khác đang gặp phải vấn đề về việc kỳ thị chủng tộc. Tuy nhiên, khi tất cả mọi người cùng lên metaverse thì không còn phân biệt ai là ai nữa, nó giúp xoá nhoà khoảng cách về định danh của mỗi người", ông Thức chia sẻ.
Cùng quan điểm, ông Trần Mạnh Thắng, CEO công ty Clevai Math cho rằng, công nghệ AR/VR (thực tế tăng cường/thực tế ảo) mà không có metaverse sẽ giống như smartphone mà không có Internet. Nhờ metaverse mà mở ra nhiều ứng dụng có thể truy cập vào "vũ trụ ảo" mọi lúc mọi nơi, và bất kì ai cũng có thể truy cập được. Nếu như hiện nay, cuộc sống của mỗi người thường là sẽ thức dậy, đi xe đến trường học, nghỉ giải lao để ăn trưa rồi lại trở lại học tiếp. Tuy nhiên, nếu như có AR/VR, khi thức dậy sẽ không phải vội vàng để đi xe đến trường học, mà chỉ cần đeo chiếc kính lên, rồi bắt đầu buổi học. "Điều này làm trải nghiệm của người dùng mang tính chất rất tự nhiên hơn nhiều", ông Thắng nói.
Một nghiên cứu cũng cho thấy, khi tương tác về hình ảnh vật lý, âm thanh một cách sống đống thì con người sẽ dễ nhớ hơn. Vì vậy, có thể nói, thế giới metaverse giúp mọi người ghi nhớ ký ức về thế giới tốt hơn.
Còn theo bà Trần Khánh Vy, CEO Marvy AR/VR Productions, metaverse không chỉ có Facebook tham gia mà còn các ông lớn về công nghệ khác như Google, Apple, Samsung cũng đang chạy đua về phần cứng cho công nghệ AR/VR. Chỉ khi AR/VR được hoàn thiện hơn hiện nay, cùng với sự phát triển của mạng 5G trong thời gian tới, thì mới mở được "nút thắt" tạo ra một thế giới metaverse như trong tưởng tượng.
"Bởi vì, AR/VR đóng vai trò hình thành nên thế giới "vũ trụ ảo" về mặt thị giác, làm cho mọi người thấy và cảm giác như sống trong đó. Còn công nghệ blockchain là cốt lõi trong việc hình thành phân phối cơ sở dữ liệu bình đẳng cho những người người tham gia (decenteralize) và giao dịch", bà Vy nói.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, trong tương lai, smartphone sẽ chỉ còn là quá khứ và bị thay thế bởi mắt kính AR. Khi đó, mọi người sẽ tương tác với nhau thông qua không gian thay vì màn hình điện thoại, giống như phim khoa học viễn tưởng mà vẫn hay xem. Nếu như kính AR là công nghệ của thời tương lai xa, thì kính VR sẽ là xu hướng của tương lai gần, mặc dù đến nay vẫn chưa có nhiều người sở hữu thiết bị VR vì vẫn nghĩ nó không quá cần thiết, cồng kềnh để trải nghiệm. Những nhược điểm đó sẽ được khắc phục và ngày càng nhiều ứng dụng VR giúp ích cho đời sống, cho giáo dục thay vì chi cho lĩnh vực game, giải trí.
"Tôi tin rằng VR sẽ trở thành vật không thể thiếu trong giáo dục, khi các sinh viên có thể ngồi nhà, đeo kính VR là có thể đến trường học ở Mỹ", bà Vy chia sẻ.
Từ đó, bà Vy cho rằng, bức tranh đó không còn quá xa vời ở "thời tương lai" nữa, vì mọi điều kiện hiện tại đều đã sẵn sàng và có thể đáp ứng được. "Quan trọng là giáo dục ở Việt Nam hiện nay có thực sự quyết tâm và muốn đưa VR trở thành một công nghệ đột phá vào thực tế lĩnh vực này hay không", bà Vy nhận định.
Còn thầy Toán "triệu view" Nguyễn Tiến Đạt, sáng lập viên của Trung tâm luyện thi Đại Cồ Việt cho biết, nếu metaverse được áp dụng vào giáo dục thì nó sẽ là cuộc cuộc cách mạng, học sinh có thể học được từ những người giỏi nhất với chi phí thấp nhất. Thầy Đạt hy vọng 3-4 năm nữa, công nghệ VR sẽ được phổ biến ở Việt Nam với một bản nâng cấp tốt hơn, nhưng với giá thành rẻ để học sinh, phụ huynh có thể dễ dàng tiếp cận hơn.
"Đồng thời, để học trực tuyến được hiệu quả, cần sớm đưa ra phương thức kết nối với phụ huynh ngay khi giáo viên đang dạy học, để giảm thiểu nỗi lo cho phụ huynh khi con học trên môi trường mạng", thầy Đạt nói.